Trach nhiem de phap luat di vao cuoc song



Phỏng vấn Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển: Trách nhiệm để pháp luật đi vào cuộc sống1
http://www.nclp.org.vn/nghien-cuu-lap-phap/98/nha-nuoc-va-phap-luat/phong-van-chu-nhiem-uy-ban-phap-luat-cua-quoc-hoi-vu-111uc-khien-trach-nhiem-111e-phap-luat-111i-vao-cuoc-song1-1

Ông Vũ Đức Khiển
Trong năm 2004, nhiều văn bản pháp luật được Quốc hội ban hành góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nước ta. Vấn đề đặt ra sau khi các văn bản pháp luật được ban hành là hiệu quả thực hiện các văn bản pháp luật đó ra sao? Nhân dịp bước sang năm 2005, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp (NCLP) đã có cuộc phỏng vấn Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội Vũ Đức Khiển về một số vấn đề xung quanh công tác xây dựng, thực thi và giám sát pháp luật, nhằm đưa pháp luật đi vào cuộc sống

NCLP: Xin ông cho biết những điểm yếu nhất của quá trình xây dựng pháp luật mà ông rút ra từ hoạt động thẩm tra của Uỷ ban?

Ông Vũ Đức Khiển: Điểm yếu nhất trong quá trình xây dựng pháp luật hiện nay ở nước ta mà tôi thấy được qua hoạt động thẩm tra của Uỷ ban pháp luật là Ban soạn thảo chưa xác định rõ ngay từ đầu đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, pháp lệnh dự định trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, thông qua, hay nói một cách khác dễ hiểu hơn, là chưa xác định rõ mục tiêu, yêu cầu và nội dung chủ yếu của văn bản pháp luật. Kinh nghiệm của nhiều nước là trước khi ban hành một văn bản pháp luật quy định về một vấn đề nào đó thì người ta đã hoạch định rõ chính sách về lĩnh vực ấy rồi giao cho các chuyên gia soạn thảo văn bản thể hiện thành các chương, mục, điều, khoản trong một đạo luật hay pháp lệnh. Quá trình xây dựng pháp luật ở nước ta lại diễn ra không hoàn toàn giống như vậy. Chúng ta bỏ ra khá nhiều thời gian và công sức để soạn thảo, thẩm tra và thảo luận, thông qua lời nói đầu, chương quản lý nhà nước và chương khen thưởng, xử phạt vi phạm trong nhiều dự thảo luật, pháp lệnh. Nhưng đến khi thi hành thì chẳng mấy ai quan tâm đến lời nói đầu và không bao giờ hoặc rất ít khi áp dụng những quy định của các chương đó. Chúng ta cần sớm khắc phục điểm yếu này để đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật, pháp lệnh đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước.

NCLP: Thưa ông, tại sao luật ít đi vào cuộc sống? Tư duy nào cho lập pháp? Có căn bệnh thành tích trong xây dựng luật, pháp lệnh? Lập chương trình xây dựng pháp luật như thế nào cho hợp lý? Cơ quan soạn thảo luật nên đặt ở đâu?

Ông Vũ Đức Khiển: Câu hỏi này đặt ra rất nhiều ý. Tôi xin trả lời chung như sau:

1) Luật muốn đi vào cuộc sống thì phải có những quy định chi tiết, cụ thể vì điều chỉnh những quan hệ xã hội trong cuộc sống không thể nói chung hay chỉ nêu nguyên tắc. Nhưng luật của chúng ta như nhiều người đã nhận xét là trong nhiều văn bản còn quy định nguyên tắc chung, còn là luật khung và giao cho Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Theo tôi biết, để những luật, pháp lệnh đã được Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua đến hết năm 2004 đi vào cuộc sống, Chính phủ phải ban hành hàng trăm nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Có lẽ, cũng phải khá lâu nữa Chính phủ mới ban hành được đủ số nghị định này. Do đó, luật chưa đi vào cuộc sống cũng là điều tất nhiên.

2) Nhiều cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước chưa làm hết trách nhiệm được giao để đưa luật vào cuộc sống. Chúng ta đều biết rằng, giữa việc ban hành pháp luật với việc thi hành pháp luật luôn có một khoảng cách. Độ rộng, hẹp của khoảng cách này tùy thuộc vào người, cơ quan có trách nhiệm thực hiện pháp luật. Một thực trạng đòi hỏi phải giải quyết, là tại sao chúng ta lại để tình trạng người dân phải xếp hàng dài chờ được nộp thuế, phải chờ đợi nhiều tháng, năm khi “xin” giấy đăng ký kinh doanh, hay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đặc biệt là không chấm dứt được tình trạng hôn nhân thực tế của nam, nữ thanh niên (họ sống với nhau thành vợ, chồng mà không có giấy đăng ký kết hôn), trong khi đó, người có quyền cấp giấy đăng ký kết hôn lại có mặt tại gia đình nhà trai hoặc nhà gái vào ngày họ tổ chức lễ cưới. Nếu còn tình trạng này thì Luật Thuế, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và gia đình và nhiều luật khác nữa chưa đi vào cuộc sống không phải là điều lạ.

3) Nhà làm luật nói đưa pháp luật vào cuộc sống, còn người phải tuân theo pháp luật lại nói đưa cuộc sống vào pháp luật. Sở dĩ có suy nghĩ khác nhau như vậy là do có những điều luật, pháp lệnh chưa phản ánh đúng quy luật của đời sống xã hội; chẳng hạn như Luật Thuế giá trị gia tăng vừa ban hành chưa có hiệu lực thi hành đã phải sửa và thời gian thi hành chưa được bao lâu lại phải sửa tiếp. Khi thẩm tra dự án Luật Hải quan đã có ý kiến không tán thành quy định về hậu kiểm vì cho rằng hàng hóa, vật tư đã cho xuất, nhập khẩu rồi thì sau đó kiểm tra sao được (hậu kiểm) nên phải kiểm tra tức thời khi xuất, nhập khẩu. Nhưng qua khảo sát thực tế tại một số cửa khẩu thấy rằng lượng hàng hóa, vật tư xuất, nhập khẩu rất lớn không thể kiểm tra hết lượt ngay được nên đã tán thành quy định về hậu kiểm. Hiện nay chúng ta còn làm “cửa xanh” (người đi qua không có hành lý, hàng hóa phải khai báo), “cửa đỏ” (người đi qua có hành lý, hàng hóa phải khai báo) ở các sân bay Quốc tế để người nhập cảnh tự giác chọn cửa đi qua. Liên quan đến vấn đề đưa cuộc sống vào pháp luật tôi còn nhớ khi Quốc hội thảo luận, thông qua Luật Bảo vệ và phát triển rừng, có vị đại biểu đã phát biểu đại ý rằng, chúng ta phải lên rừng xem thực tế thế nào đã, chứ đừng ngồi ở Hội trường Ba Đình mà quy định về bảo vệ và phát triển rừng là không trúng đâu. Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là các đại biểu Quốc hội phải lên xem rừng, mà cơ quan trình, ban soạn thảo phải nghiên cứu, khảo sát thực địa, phải tổng kết thực tế để đưa ra những quy định hợp lý, phù hợp với hiện thực của đời sống. Do đó, theo tôi, cơ quan soạn thảo luật ở nước ta phải là cơ quan của Chính phủ, chỉ trong trường hợp rất cá biệt, các cơ quan của Quốc hội mới chủ trì việc soạn thảo và trình dự án luật, pháp lệnh.

NCLP: Theo ông, nhiều luật đã phải là tốt cho người dân hay chưa? Còn cần những gì để luật được thực thi? Ngoài luật ra, còn phương thức quản lý hữu hiệu nào khác?

Ông Vũ Đức Khiển: Xét về mặt xây dựng Nhà nước pháp quyền thì cả Nhà nước và người dân đều cần có luật quy định rõ ràng, minh bạch mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân để một mặt, các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước thấy rõ và cụ thể mình chỉ được làm và phải làm những gì mà pháp luật đã bắt buộc phải làm. Đó vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước để loại bỏ hiện tượng tùy tiện, quan liêu, hách dịch, cửa quyền. ở đây, cần khẳng định một điểm có tính nguyên tắc trong Nhà nước pháp quyền là, pháp luật không quy định, không cho phép thì cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước tuyệt đối không được làm. Mặt khác, người dân phải nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, nhưng pháp luật còn là căn cứ để họ giám sát cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ do pháp luật quy định. Trong Nhà nước pháp quyền, một điểm có tính nguyên tắc là người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Chúng ta hãy thử so sánh với một trận đá bóng trên sân cỏ, ở đó cần có luật lệ quy định rõ, cụ thể để trọng tài không được phạt cầu thủ về những động tác mà luật lệ bóng đá không cấm, còn cầu thủ được hoạt động một cách sáng tạo ngoài những điều luật lệ đã cấm. Một trận đá bóng sẽ mất hay nếu trọng tài phạt sai nhiều trường hợp, còn cầu thủ thì hoạt động như người máy. Vậy theo tôi thì phải có đủ luật (chứ không phải là nhiều hay ít luật) quy định mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Để luật được thực thi thì cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước phải gương mẫu và nghiêm chỉnh, thống nhất chấp hành pháp luật. ở đâu mà cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước vi phạm pháp luật một cách thường xuyên và phổ biến thì ở đó dân sẽ giảm sút lòng tin vào Nhà nước. Đây là điều rất đáng lo ngại.

Khi nói về Nhà nước thực hiện việc quản lý hay quản lý nhà nước thì không có phương thức nào khác là quản lý theo pháp luật và bằng pháp luật. Nhưng khi nói về quản lý xã hội hay xã hội tự quản lý (quản lý trong cộng đồng dân cư) thì có rất nhiều phương thức. Một xã hội trật tự, văn minh được điều chỉnh bởi nhiều loại quy phạm như quy phạm pháp luật, quy phạm về đạo đức, về chính trị, về phong tục, tập quán như hương ước thôn, bản chẳng hạn, trong đó quy phạm pháp luật có vai trò và vị trí rất quan trọng. Song, không được vì thế mà tuyệt đối hóa phương thức quản lý bằng pháp luật đối với toàn bộ hoạt động của đời sống xã hội. Bài học rút ra từ cơ chế quản lý hành chính tập trung bao cấp đã cho chúng ta thấy rõ điều đó.

NCLP: Qua kết quả giám sát của Uỷ ban pháp luật, ông đánh giá thế nào về hoạt động của các cơ quan tư pháp trong năm qua? Về hiệu quả giám sát tư pháp của Uỷ ban trong quá trình cải cách tư pháp?

Ông Vũ Đức Khiển: Trong năm qua, Uỷ ban pháp luật cũng chưa làm được nhiều việc lắm trong lĩnh vực giám sát tư pháp ngoài thẩm tra báo cáo hoạt động một năm của các cơ quan tư pháp và việc giám sát giải quyết một vài vụ án cụ thể. Bởi vậy, cũng rất khó nhận định, đánh giá một cách thật đúng đắn và chính xác hoạt động của các cơ quan tư pháp. Tuy nhiên, có thể nói rằng, một số vấn đề đã được Uỷ ban pháp luật nêu ra trong nhiều năm nay nhưng chưa có chuyển biến tích cực như số hồ sơ bị trả lại giữa các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn còn là con số đáng kể, số người bị bắt tạm giam mà Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân để quá hạn cũng không phải là ít; số bản án, quyết định bị hủy hoặc cải, sửa chiếm tỷ lệ không nhỏ trong số vụ việc đã được xét xử; số bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành vẫn còn nhiều, đặc biệt là số người bị phạt tù giam nhưng chưa bị bắt đi thi hành án có tới hàng nghìn; số đơn khiếu nại các bản án, quyết định của các cơ quan tiến hành tố tụng chưa được xem xét, trả lời vẫn còn rất nhiều. Điều đáng nói về việc xem xét, giải quyết đơn của các cơ quan tiến hành tố tụng là, nếu đơn do văn phòng của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước chuyển có bút phê của các đồng chí lãnh đạo thì được các cơ quan có trách nhiệm khẩn trương xem xét hơn và thường được giải quyết dứt điểm. Cách làm này vô hình trung mách bảo người khiếu nại cứ đến nhà các đồng chí lãnh đạo gửi đơn nhiều đi thì sẽ được xem xét, giải quyết. Đây là hiện tượng không bình thường và rất không có lợi.

Trong năm qua, thực hiện nhiệm vụ do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao, Uỷ ban pháp luật đã tiến hành giám sát việc giải quyết một số vụ án cụ thể. Kết quả giám sát là đã làm cho các cơ quan tiến hành tố tụng thấy được những sai phạm nên đã xem xét, giải quyết lại những vụ án đó để bảo đảm đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tôi nghĩ rằng, tiến hành giám sát việc giải quyết một vài vụ án cụ thể là rất cần thiết để qua đó có thể thấy được chất lượng hoạt động của các các cơ quan tiến hành tố tụng, nếu thấy việc xem xét, giải quyết không đúng pháp luật thì yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết lại vụ án đó và những vụ án tương tự, đồng thời xử lý nghiêm minh cán bộ, công chức đã có sai phạm dẫn đến việc ra những bản án, quyết định oan sai để răn đe và phòng ngừa chung. Cần khẳng định rằng, cơ quan giám sát không làm thay các cơ quan có thẩm quyền và có trách nhiệm, cũng không có quyền như các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét, giải quyết đơn khiếu nại về tư pháp của công dân, giải quyết các vụ án. Nhưng nếu không tiến hành giám sát việc giải quyết một vụ án cụ thể mà chỉ nghe các cơ quan có trách nhiệm báo cáo thì làm sao biết được việc đó đúng hay sai, làm sao mà có được yêu cầu xử lý cán bộ có sai phạm. Song, qua giám sát mà không sửa được việc oan sai, không xử lý nghiêm minh cán bộ có sai phạm thì không giải quyết được vấn đề một cách kiên quyết và triệt để. Phải phát hiện và thưởng, phạt công minh đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan tư pháp để phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực của họ. Theo tôi, đây chính là khâu xung yếu nhất để chúng ta thực hiện tốt hơn, có kết quả hơn Nghị quyết 08 –NQ /TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới.

Cuối cùng, nhân dịp Xuân ất Dậu – Năm 2005, tôi xin chúc các đồng chí trong Ban biên tập, các đồng chí phóng viên, cộng tác viên và độc giả của Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp cùng gia đình sang năm mới dồi dào sức khỏe, gặp nhiều may mắn.

Chúc tạp chí của chúng ta sang năm mới có nhiều bài hay hơn, nhiều độc giả hơn.

NCLP: Xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này; xin chúc ông cùng gia đình mạnh khoẻ, hạnh phúc

1 Đầu đề do Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp đặt.

(Bài viết đăng trên TCNCLP số 48, tháng 1/2005)